Vì sao mùa mưa mối bay vào nhà? Phòng chống như thế nào?

Vào tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, khi thời tiết chuyển sang mùa nóng và sau những cơn mưa giông, chúng ta thường bắt gặp hàng ngàn con mối cánh bay về nơi có ánh sáng như cột đèn, nhà ở,… Đây cũng chính là thời điểm mối bay khỏi tổ để tìm bạn đời. Sau đó chúng rụng cánh, tìm nơi thích hợp để làm tổ và bắt đầu sinh sản, gây dựng một “vương quốc” mới.

Tuy nhiên đối với những ngôi nhà được mối bay “chọn” để xây tổ thì rất có thể bạn phải đối mặt với viễn cảnh một đàn mối phá hoại mọi đồ đạc bằng gỗ trong tương lai. Vậy mùa mưa mối bay vào nhà để làm gì? Làm thế nào để phòng chống mối cánh vào nhà? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

Giải đáp: Vì sao mối cánh bay vào nhà vào trời mưa?

Mối cánh thuộc họ Isoptera, là một loài côn trùng có hại được tìm thấy phổ biến tại nước ta. Chúng thường sống thành bầy đàn với số lượng lớn và phân cấp rõ ràng.

Hiện tượng mối bay vào nhà khi trời mưa có thể giải thích bằng hai lý do sau đây:

  • Thứ nhất, mùa mưa thường là mùa sinh sản của mối. Khi ấy, những con mối cánh rời khỏi tổ để tìm bạn tình và địa điểm phù hợp cho việc xây tổ mối. Đồng thời, mối cũng như các loài côn trùng khác có xu hướng bị thu hút bởi ánh sáng. Do đó, chúng sẽ bay theo ánh đèn và vào nhà.
  • Thứ hai là vào mùa mưa tổ mối sẽ bị ngập nước. Không chỉ thế, các địa điểm trồng cây và cỏ có thể bị phá hủy do ngập lút, khiến nguồn thức ăn của đàn mối bị suy giảm và chúng cần tìm kiếm nguồn thức ăn mới như đồ gỗ của con người.

Cách phòng chống mối cánh bay vào nhà

Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa mối bay sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro từ mối cánh cũng như sự phá hoại của các loài côn trùng khác nói chung. Các cách phòng chống mối cánh bay vào nhà như sau.

Tắt đèn sáng

Mối thường bay theo ánh điện vào nhà để tìm bạn tình giao phối. Sau đó chúng sẽ rụng cánh rơi xuống đất và trở thành mối chúa hoặc mối vua. Những con mối này tiếp tục tìm kiếm những ngóc ngách, kẽ hở ẩm thấp trong nhà để làm tổ và đẻ trứng.

Thời gian từ khi mối chui vào tổ cho đến lúc đẻ trứng là khoảng 10 ngày. Sau đó 1 tháng, trứng mối nở ra ấu trùng và lột xác thành mối trưởng thành sau khoảng 2 tháng. Lúc này, đàn mối đã phát triển khá đầy đủ và có thể gây hại cho nhà ở, tài sản, đồ đạc trong nhà.

Theo đó, để giảm thiểu khả năng mối bay vào nhà làm tổ bạn có thể tắt bớt đèn điện trong nhà. Đặc biệt là lúc chiều tối của những ngày oi nồng, sau cơn mưa giông mối cánh thường xuất hiện nhiều hơn lúc bình thường. Sau khi tắt điện, bạn nên tìm bắt những con mối đã bay. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng vợt hoặc vợt điện để tiêu diệt mối bay.

Đặt chậu nước dưới nến

Mặc dù tắt đèn có thể hạn chế số lượng mối cánh bay vào nhà sau mưa nhưng không thể loại trừ nguy cơ chúng làm tổ trong nhà. Vì vậy bạn có thể tìm bắt mối bằng cách đặt chậu nước dưới nến.

Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Bạn tắt hết đèn trong nhà rồi mở cửa và bật quạt thổi mối ra bên ngoài.
  • Bước 2: Bạn thắp một ngọn nến hoặc đèn chụp và để dưới chậu nước. Mối sẽ bị thu hút bởi ánh sáng, lao vào ngọn lửa (bóng đèn) và rơi xuống nước. Khi đó, cánh mối bị ướt không thể bay được khiến chúng chết ngạt trong nước.

Dọn dẹp nhà cửa khô ráo, sáng sủa

Môi trường sống lý tưởng của mối là những nơi ẩm thấp, tối tăm, ít bị chú ý đến và cần tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc chất liệu gỗ mềm, mùn,… giúp chúng xây tổ. Do đó, bạn nên dọn dẹp nhà ở sạch sẽ, quang đãng để không tạo điều kiện cho mối sinh sống.

Tường nhà không nên trồng dây leo hoặc để lá cây rơi rụng thành đống lâu ngày dưới sân. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra tình trạng các máng xối từ sân thượng, tránh để tắt nghẽn làm nước thấm vào tường.

Đối với các loại đồ nội thất bằng gỗ như tủ bếp, tủ đồ,… đặt sát tường thì nên được lau chùi và kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện nếu có mối mọt tấn công. Đối với các loại thùng carton, giấy báo cũ,… thì cần thu dọn gọn gàng, không nên xếp thành đống ở nhà kho vì dễ thu hút sự xâm nhập của mối.